UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số
593/QĐ-UBND ngày 08/3/3022 về việc giao chỉ tiêu số hộ nghèo A còn lại
cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh, theo đó đầu năm 2022, toàn tỉnh có
7.057 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều Trung ương giai đoạn 2022 -
2025, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số hộ dân, trong đó có 3.752 hộ
nghèo B là hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng
thoát nghèo và 3.305 hộ nghèo A là hộ nghèo còn thành viên có sức
lao động, có khả năng thoát nghèo. Theo quyết định của UBND tỉnh, năm
2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm 17% hộ nghèo A/tổng số hộ nghèo A đầu
giai đoạn 2022 - 2025, tương đương 565 hộ.
Để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu giảm
hộ nghèo A năm 2022, ngoài việc các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp
thời các chế độ chính sách cho hộ nghèo như tiền điện, tiền tết,
cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ khám chữa bệnh…
thì việc tạo điều kiện cho hộ nghèo được học nghề, tiếp cận nguồn
vốn ưu đãi, tham gia các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án đa
dạng hóa sinh kế có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, vì các
chính sách này trực tiếp giúp người nghèo có công ăn việc làm, tăng
thu nhập, để sớm vươn lên thoát nghèo bền vững.
(Mô hình nuôi dê thoát nghèo ở huyện Xuân Lộc)
Hiện nay, Sở LĐTBXH đang phối hợp các
sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình
mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2022 - 2025, trong đó có quy định cụ thể những dự án, chương trình hỗ
trợ giúp người nghèo tiếp cận để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Hoàng Vĩnh Quang