Thực hiện Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 14/10/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch số 67/KH-LĐTBHX ngày 15/3/2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc kiểm tra, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024. Trong tháng 6/2024, Đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Thành - Phó phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các huyện, thành phố để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm 2024.
Đoàn công tác làm việc tại huyện Vĩnh Cửu
Qua kiểm tra, Đoàn công tác nhận thấy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện, thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, hỗ trợ của các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, mạnh thường quân, đặc biệt là sự vươn lên của chính bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhờ đó các chế độ, chính sách đều được triển khai đầy đủ, kịp thời và mang lại hiệu quả cho đối tượng thụ hưởng. Các đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các chính sách, hoạt động thuộc chương trình đã có sự chủ động phối hợp triển khai thực hiện trong việc hỗ trợ đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 các huyện, thành phố triển khai phê duyệt 12 dự án hỗ trợ sản xuất tại cộng đồng và giải ngân với số kinh phí 3.815,5 triệu đồng (ngân sách nhà nước 1.860 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân là 1.955,6 triệu đồng). Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 13.558 đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ nông, lâm, ngư nghiệp với kinh phí 6.569 triệu đồng. UBND các huyện, thành phố đã lập danh sách, hỗ trợ tiền điện cho 5.975 hộ nghèo với số tiền 2.133 triệu đồng. Thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục cho học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định, theo đó giảm 578 lượt học sinh, sinh viên với số kinh phí 152 triệu đồng. Trợ cấp tết nguyên đán cho 11.869 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo với số kinh phí từ nguồn ngân sách trên 9.972 triệu đồng. Phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho 1.143 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay mới với số tiền hơn 70 tỷ đồng. Dư nợ 41.036 hộ với số tiền 1.966 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thấp, bảo toàn được nguồn vốn cho vay. Phấn đấu cuối năm 2024 giảm 35% hộ nghèo A trên tổng số hộ nghèo A giai đoạn 2023-2025.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hiện giảm nghèo ở các huyện, thành phố còn có những hạn chế như một số dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình giảm nghèo chưa được quan tâm thực hiện, việc thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người nghèo gặp nhiều khó khăn do thiếu đất chăn nuôi, trồng trọt, nhân lực lao động. Công tác cho vay vốn xóa đói giảm nghèo có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, còn tình trạng nợ xấu, dẫn đến phải khoanh, xóa nợ. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương chưa được hộ nghèo, hộ cận nghèo quan tâm chú trọng. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã đa số là kiêm nhiệm, nhiều lĩnh vực nên chưa thực sự sâu, sát trong công tác giảm nghèo bền vững, bên cạnh đó cán bộ xin nghỉ, luân chuyển thường xuyên nên còn mới, chưa nắm vững chính sách giảm nghèo dẫn đến lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ.

Đoàn công tác làm việc tại huyện Nhơn Trạch
Vì vậy, trong thời gian tới Đoàn công tác đã tham mưu lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các văn bản của Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành; tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị thành lập Bộ phận giúp việc cấp huyện riêng theo từng CTMTQG; thành lập Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn cấp xã theo quy định tại điểm 6 khoản 22 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát, nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình giảm nghèo. Thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng, tuyên truyền đối với cán bộ, người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, hoạt động của Chương trình để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện và tham gia Chương trình, nhất là đối với các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác. Đối với những dự án đa dạng hóa sinh kế đã được cấp con giống, đề nghị UBND huyện, thành phố quan tâm hỗ trợ, giám sát, theo dõi các hộ dân để đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh giải ngân số kinh phí được giao trong năm 2024 vào quý III/2024 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024./.

Mô hình dự án nuôi dê tại huyện Trảng Bom